Rời Mỹ về Việt Nam-nữ tiến sĩ 9X hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững

04/12/2019 |

Dương Hồng Nhung tốt nghiệp đại học ngành Kỹ thuật hóa học với số điểm 3.95/4.00 GPA. Sau đó cô tiếp tục học lên Thạc sĩ và Tiến sĩ tại trường ĐH Oklahoma (Mỹ). Sau gần 10 năm, cô quyết định trở về Việt Nam giảng dạy và bén duyên với lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất các chế phẩm hữu cơ phục vụ nông nghiệp.

Dương Nguyễn Hồng Nhung sinh năm 1990 tại Vũng Tàu, trong gia đình có bố mẹ đều là công chức, giáo viên. Năm 18 tuổi, sau khi tốt nghiệp THPT, với thành tích học tập tốt, Hồng Nhung được nhận học bổng du học ở xứ sở “cờ hoa”.

Năm 2013, cô tốt nghiệp đại học hạng summa cum laude với số điểm gần tuyệt đối 3.95/4.00 GPA chuyên ngành Chemical Engineering (Kỹ thuật hóa học). Sau đó, cô tiếp tục học lên Thạc sĩ (2014) và Tiến sĩ (2018) tại ĐH Oklahoma (Hoa Kỳ).

Rời Mỹ về Việt Nam, nữ tiến sĩ 9X hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Tiến sĩ Dương Nguyễn Hồng Nhung

Theo tiếng gọi của quê hương và muốn vượt ra khỏi vùng an toàn của bản thân, năm 2018 Hồng Nhung quyết định trở về Việt Nam. Cô hiện đang công tác, giảng dạy tại ĐH Quốc tế, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, đồng thời tiếp tục hoạt động nghiên cứu của mình.

“Nông nghiệp Việt Nam thôi thúc tôi phải chuyển hướng nghiên cứu”

Trong thời gian ở Mỹ, lĩnh vực mà Hồng Nhung nghiên cứu là năng lượng tái tạo và vật liệu ống nano carbon. Nhưng khi về Việt Nam, nhận thấy nhiều vấn đề cấp bách và với vốn kiến thức sẵn có, cô đã quyết định chuyển hướng sang nghiên cứu các chế phẩm hữu cơ phục vụ nông nghiệp.

Tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 2 năm 2019 do TW Đoàn tổ chức tại Hà Nội, ngày 26 - 28/11 vừa qua, Tiến sĩ Hồng Nhung là một trong 236 đại biểu tham dự. Đây là lần thứ 2 nữ tiến sĩ góp mặt tại diễn đàn này.

Rời Mỹ về Việt Nam, nữ tiến sĩ 9X hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Nếu như ở lần đầu tiên, cô mới về Việt Nam nên còn nhiều bỡ ngỡ thì lần này, Hồng Nhung mang đến diễn đàn dự án thuốc bảo vệ thực vật sinh học từ dầu hạt neem và các tinh dầu thảo mộc.

Dự án được trình bày ở tọa đàm: “Bảo vệ tài nguyên môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu” đã nhanh chóng được nhiều trí thức đón nhận và ngỏ lời mời hợp tác.

“Tôi có niềm cảm hứng đặc biệt với tất cả những sáng kiến có thể giúp ích cho cuộc sống của chúng ta. Khi tìm thấy ý tưởng có thể làm một sản phẩm tốt, hiệu quả hay giúp giải quyết vấn đề nào đó cho xã hội, tôi rất hứng thú.

Việt Nam lại là đất nước nông nghiệp với nguồn “vàng xanh” thảo dược sẵn có nên hoàn toàn có thể tận dụng”, cô nói về lý do chuyển hướng nghiên cứu.

Chia sẻ về dự án, Hồng Nhung cho biết ý tưởng được xuất phát từ chính thực tế, khi vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay đang rất đáng lo ngại.

“Trước đây tôi than phiền nhiều hơn nhưng hiện tại tôi nghĩ mình cần phải làm điều gì đó, thay vì chỉ biết than phiền”, cô nói.

Nhờ những người bạn cùng nghiên cứu về thảo dược thời gian còn ở Mỹ, nữ Tiến sĩ và cộng sự đã ngồi lại bàn bạc để tìm ra hướng đi. Họ nảy ra ý tưởng tại sao không chiết xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Đây là sản phẩm tốt, trong khi nhóm lại có nền tảng kiến thức vững chắc về dược liệu, từ đó dự án đã chính thức ra đời.

Nghĩ là làm, Tiến sĩ Nhung bắt tay vào chọn nguyên liệu là các loại dầu, tinh dầu được chiết xuất từ cây neem. Loại cây này có rất nhiều ở Ninh Thuận, Bình Thuận với tác dụng kháng viêm, trừ sâu bọ là ưu điểm. Ở Ấn Độ, dầu neem cũng được ứng dụng rộng rãi.

Bên cạnh đó ở Việt Nam cũng có rất nhiều loại thảo mộc khác như sả, tràm gió, khuynh diệp, đinh hương, hương nhu... có thể phục vụ công tác nghiên cứu.

Theo Tiến sĩ Nhung, nhóm hiện đang sử dụng các công nghệ khác nhau để đưa dầu và tinh dầu về dạng nano với kích thước siêu nhỏ, giúp tăng tính thẩm thấu cũng như dược tính của thuốc bảo vệ thực vật. Đó là điểm chính để tạo ra sản phẩm hiệu quả với giá thành hợp lý.

Rời Mỹ về Việt Nam, nữ tiến sĩ 9X hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững - 3

Nhấn để phóng to ảnh

Hiện tại, sản phẩm đã được thử nghiệm trên rau xanh ở diện tích 1.000m2 trong nhà kính và 700m2 ở ngoài trời, bước đầu cho hiệu quả xua đuổi và diệt trừ sâu bệnh tốt. Với các loại cây ăn quả như chôm chôm, bơ, nho... sản phẩm cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực.

Khi được hỏi về khó khăn khi thực hiện dự án, cô cho biết việc lạm dụng thuốc trừ sâu trong canh tác nông nghiệp là thói quen khó bỏ. “Đây là bài toán khó, không chỉ của riêng nhóm mà đúng hơn là khó khăn chung của nền nông nghiệp Việt Nam.

Nông sản sau thu hoạch có tươi ngon đến mấy nhưng dư lượng hóa chất cao thì rất hại cho sức khỏe người tiêu dùng, mà cũng không thể xuất khẩu được, thiệt hại kinh tế lớn.

Nhóm chúng tôi biết đây là con đường dài và mình phải kiên trì, phải chứng minh được sản phẩm của mình tốt thì mới mong giải quyết được vấn đề.”

Đổi lại, cô cho biết nhóm gặp nhiều thuận lợi và may mắn khi được rất nhiều người giúp đỡ cũng như nhận được sự quan tâm, đầu tư từ các quỹ nghiên cứu.

Hiện tại nhóm của cô đang đẩy mạnh nghiên cứu thêm sản phẩm dành cho các hộ gia đình trong thành phố, đối tượng là các loại rau, cây kiểng... Song song với đó là nghiên cứu phát triển mô hình sản phẩm này cho các vườn và nông trại lớn.

“Phụ nữ làm khoa học khó, khổ nhưng không hề khô khan”

Nói đến lĩnh vực nghiên cứu khoa học, chúng ta thường nghĩ đến đối tượng nam giới vì đây vừa là lĩnh vực khô, khó lại khổ. Tuy nhiên, nữ tiến sĩ 9x lại có cái nhìn khác đầy cảm hứng.

Với Hồng Nhung, phụ nữ nghiên cứu khoa học có khó, có thể có khổ nhưng không hề khô khan. Cô cho rằng với những phát minh mới, kiến thức mới, cách suy nghĩ mới thì lĩnh vực này không thể nào khô khan được, ngược lại rất phong phú và thú vị.

“Khoa học rộng lớn, tôi đi con đường này mỗi ngày đều thấy học thêm được nhiều điều, nghe được nhiều câu chuyện hay, gặp gỡ nhiều người khác nhau, nên tôi thấy vui chứ không nhọc nhằn gì cả”, cô nói.

Rời Mỹ về Việt Nam, nữ tiến sĩ 9X hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững - 4

Nhấn để phóng to ảnh

Tiến sĩ Hồng Nhung và các sinh viên

Nữ tiến sĩ trẻ cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm khi được hỏi phụ nữ nghiên cứu khoa học khó hay dễ và phải đánh đổi những gì: “Vừa khó vừa dễ và không chỉ riêng với phụ nữ mà cả đấng mày râu nữa. Khó nếu đi một mình, và dễ khi có sự ủng hộ của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp…

Thật ra bất kì ngành nghề nào cũng có cái khó riêng và muốn đạt được điều gì đó chúng ta đều phải đánh đổi, thời gian, tiền bạc, công sức, tuổi trẻ… Phụ nữ thì chắc sợ nhất là đánh đổi tuổi trẻ (cười).

Nhưng tôi quan niệm dù không làm gì thì tuổi trẻ cũng trôi qua nên cứ làm và cứ dấn thân đi, sai thì sửa, ngã thì đứng lên. Chỉ cần mình thấy đáng thì cứ dũng cảm lên và tin rằng những đánh đổi kia sẽ mang lại nhiều món quà bất ngờ, thậm chí hơn cả sự mong đợi ban đầu”.

Trước đây, người Tiến sĩ Nhung thần tượng là giáo sư hướng dẫn của cô ở Mỹ nhưng từ khi trở về Việt Nam, cô không còn thần tượng do… có quá nhiều hình mẫu để theo đuổi.

Bản thân Hồng Nhung cảm thấy thật sự may mắn vì có cơ hội được gặp và tiếp xúc với rất nhiều nhà khoa học giỏi, đầy đam mê với nghiên cứu, nhiệt huyết với sinh viên, hết lòng vì cộng đồng. Và chính các đại biểu tham dự Diễn đàn Tri thức trẻ Toàn cầu cũng đã truyền cảm hứng cho cô.

Với những khởi đầu thuận lợi này, Tiến sĩ Nhung cho biết trong thời gian tới cô và cộng sự sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm tốt hơn nữa, lan tỏa hơn nữa.

Là một người làm về giáo dục nên bên cạnh việc nghiên cứu, cô còn ấp ủ mong muốn tạo môi trường thực tế cho sinh viên học tập, trải nghiệm nghiên cứu và phát triển sản phẩm.

Kim Bảo Ngân || Nguồn Dantri.com.vn

 

 

 

 


(*) Xem thêm:

Bình luận
0979522168