BẢN ĐỒ QUY HOẠCH HUYỆN BÀU BÀNG MỚI NHẤT HIỆN NAY
Bản đồ quy hoạch huyện Bàu Bàng cho thấy những bước đi mang tính chiến lược trong việc tạo ra đô thị động lực của phía Bắc Bình Dương.
Bàu Bàng vốn được biết đến là một huyện mới thành lập của Bình Dương, tuy nhiên lại sở hữu nội lực và tiềm năng bứt phá mạnh mẽ. Quy hoạch Bình Dương đến năm 2020 cũng đã chỉ ra, Bàu Bàng là một trong 8 đô thị vệ tinh quan trọng của tỉnh, cần được chú trọng tạo đòn bẩy.
Để có cái nhìn chi tiết, cụ thể hơn về lộ trình phát triển của huyện, dưới đây là những thông tin liên quan đến quy hoạch Bàu Bàng đến năm 2025 theo các cập nhật mới nhất.
Mục tiêu quy hoạch Bàu Bàng
Nhằm tận dụng và khai thác hiệu quả lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, quỹ đất của huyện Bàu Bàng, lãnh đạo tỉnh và địa phương coi trọng việc khuyến khích phát triển kinh tế - xã hội Bàu Bàng theo hướng công nghiệp - dịch vụ, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo yếu tố môi trường và trật tự, an toàn xã hội.
Theo đó, giai đoạn này, Bàu Bàng cơ bản có những mục tiêu như sau:
- Phấn đấu đến năm 2025, cơ cấu kinh tế của các dự án Bàu Bàng sẽ chuyển dịch theo hướng công nghiệp – nông nghiệp – dịch vụ
- Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội – kỹ thuật đồng bộ, hiện đại
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển văn hóa, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
- Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.
- Hướng đến nền tảng để sớm trở thành đô thị xanh, thân thiện môi trường, văn minh, hiện đại.
Cụ thể hơn, đối với phát triển xã hội, các con số chỉ tiêu cụ thể gồm:
Về xã hội: Tốc độ tăng dân số bình quân đạt 9,15%/năm giai đoạn 2016-2020 và 9%/năm giai đoạn 2021-2025. Tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 58% năm 2020 và 70% năm 2025.
Về môi trường: 100% các khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường
Về kinh tế:
- Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản giai đoạn 2016-2020 đạt bình quân 5%/năm; giai đoạn 2021-2025 đạt bình quân 4%/năm.
- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2016-2020 đạt bình quân 18%/năm; giai đoạn 2021-2025 đạt bình quân 22%/năm.
- Tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2016-2020 đạt bình quân 24%/năm; giai đoạn 2021-2025 đạt bình quân 26,5%/năm.
Đối với mục tiêu về kinh tế, nhằm tạo ra hành lang phát triển đúng định hướng, đồ án quy hoạch Bàu Bàng đã chỉ ra các nhiệm vụ trọng tâm cho từng ngành nghề. Cụ thể:
- Nông nghiệp – lâm nghiệp – thủy sản: đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đặc biệt quan tâm đến giống cây trồng và vật nuôi. Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng nông nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi trong đó chăn nuôi là ngành chủ lực.
- Công nghiệp: tập trung vào các ngành công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường thuộc các lĩnh vực sản xuất thiết bị điện, điện tử - công nghệ thông tin, chế biến lương thực - thực phẩm... Phát triển theo hướng tập trung, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch.
- Thương mại – dịch vụ: đẩy nhanh tiến độ, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại - dịch vụ hiện đại kết hợp với truyền thống. Đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngành dịch vụ như cảng ICD, viễn thông, kho bãi kết nối với tuyến Mỹ Phước – Tân Vạn.
Quy hoạch sử dụng đất Bàu Bàng đến năm 2030
Quy hoạch huyện Bàu Bàng thiết lập kế hoạch sử dụng đất theo các phân vùng cụ thể. Mỗi phân vùng tương ứng với mỗi đặc điểm và trọng tâm, trọng điểm khác nhau trong khai thác quỹ đất địa phương. Thông qua bản đồ quy hoạch Bàu Bàng dưới đây có thể thấy rõ sự phân bố quỹ đất, cơ sở hạ tầng bám sát với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và bảo vệ tài nguyên môi trường.
Khu vực phát triển đô thị:
Từ nay đến năm 2030, quỹ đất ở đã đảm bảo theo dự báo phát triển dân số đô thị khoảng 120 nghìn dân tại đô thị Bàu Bàng. Do đó từ nay đến năm 2020, phát triển các dự án dân cư cần tập trung vào chất lượng phát triển.
Bản đồ khu dân cư Bàu Bàng giai đoạn này ngoài 2 khu dân cư (giai đoạn 2) gắn với khu công nghiệp Bàu Bàng sẽ có thêm những cái tên mới: Khu đô thị dịch vụ nằm ở phía Bắc giữa Quốc lộ 13 và các khu dân cư ấp 5B, 5C; Khu đô thị sinh thái hồ Từ Vân; Khu Nhà ở xã hội được bố trí tại Khu trung tâm dịch vụ của khu công nghiệp Bàu Bàng.
Khu vực phát triển công nghiệp:
Phát triển dựa trên động lực của khu công nghiệp Bàu Bàng và đô thị Bàu Bàng. Khu công nghiệp Bàu Bàng với quy mô 997,74ha đang hoạt động, khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng đang được đầu tư cơ bản. Định hướng trong thời gian tới sẽ xây mới khu công nghiệp Cây Trường 700ha, khu công nghiệp Lai Hưng 600ha.
Khu vực phát triển nông nghiệp và nông thôn mới:
Phân vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến tỉnh Bình Dương. Loại hình nông nghiệp tùy theo đặc điểm riêng của từng vùng.
Khu vực phát triển du lịch: Định hướng phát triển khu vực hồ Từ Vân 1 và 2 thành khu sinh thái, du lịch, nghỉ dưỡng.
Toàn bộ thông tin và bản đồ quy hoạch huyện Bàu Bàng trên đây đã phần nào phản ánh được những tiềm năng và sự hứa hẹn “lột xác” của một địa phương mang tên huyện mới. Theo kỳ vọng của giới chuyên môn, Bàu Bàng sẽ sớm trở thành đô thị phát triển và có sức nóng bậc nhất phía Bắc của tỉnh trong thời gian tới, cùng với quy hoạch thị xã Bến Cát tạo nên cú hích lớn cho khu vực này.
Xem thêm